Phiên bản thử nghiệm
BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ
CỤC QUẢN LÝ MẬT MÃ DÂN SỰ VÀ KIỂM ĐỊNH SẢN PHẨM MẬT MÃ
NATIONAL AGENCY OF CRYPTOGRAPHY AND INFORMATION SECURITY
Một số vấn đề về công tác xây dựng tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN)
01:58:00 | 02-01-2020

    Trong những năm qua, lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước. CNTT đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn xã hội, đặc biệt là được ứng dụng rộng khắp trong các hệ thống quan trọng như viễn thông, điện lực, tài chính, ngân hàng,... Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã thúc đẩy quá trình kết nối giữa các hệ thống thông tin của mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau một cách nhanh chóng, đem lại rất nhiều lợi ích về mọi mặt của đời sống.

    Đảng và Nhà nước ta đã và đang thực hiện mạnh mẽ chủ trương ứng dụng CNTT nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa cơ quan chính phủ, xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả hơn, thực sự của dân, do dân và vì dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình về cải cách hành chính của đất nước. Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển ứng dụng CNTT, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, chương trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước hết sức cụ thể, thiết thực, như: Luật Công nghệ thông tin; Luật giao dịch điện tử; Luật an ninh mạng; Luật an toàn thông tin mạng; Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định vể việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 36a/NQ- CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Nghị quyết số 17/NQQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giái pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025,...

    Gắn liền với sự phát triển của CNTT, việc đảm bảo an toàn an toàn thông tin là một yêu cầu không thể thiếu. Để bảo đảm tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự thì việc xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản,… đã xây dựng được cho họ một hệ thống tiêu chuẩn về an toàn thông tin và mật mã khá đầy đủ. Ở nước ta các tiêu chuẩn về bảo mật, an toàn thông tin áp dụng trong lĩnh vực kinh tế xã hội vẫn còn chưa được đầy đủ.

    Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29/6/2006 quy định: tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

    Việt Nam là thành viên thứ 77 của ISO/IEC. Vì vậy để đảm bảo xu thế hội nhập quốc tế thì việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nói chung phải bảo đảm tính hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tính cạnh tranh cũng như tránh tạo ra các rào cản thương mại, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các doanh nghiệp cung cấp cũng như của người sử dụng. Do đó việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải dựa trên những nguyên tắc chung. Các nguyên tắc này đã được quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

    Việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải:

- Dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội;

- Sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài làm cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, trừ trường hợp các tiêu chuẩn đó không phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, kỹ thuật, công nghệ của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia;

- Bảo đảm tính thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

Ngoài ra, Điều 13 Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật còn quy định các căn cứ để xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật:

1. Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;

2. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;

3. Kinh nghiệm thực tiễn;

4. Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định.

    Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã có trách nhiệm giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm mật mã dân sự trình cấp thẩm quyền ban hành.

    Đến nay, Cục QLMMDS &KĐSPMM đã triển khai tham mưu, xây dựng trình Lãnh đạo Ban đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và công bố được 31 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) trong lĩnh vực mật mã dân sự phục vụ kinh tế xã hội đảm bảo tính hài hòa; phù hợp với thực tiễn, nhu cầu hiện tại và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tính thống nhất với hệ thống tiêu chuẩn và hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

TS. Hồ Văn Hương, Cục QLMMDS & KĐSPMM

Đường dây nóng
Phòng QLMMDS: 024 3775 6896
Trung tâm ĐGSPH: 024 3232 3313
Cục trưởng: 0903 234 845
P.Cục trưởng phụ trách: 0913 592 170